Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 960
  • Trong tuần: 3251
  • Tất cả: 335213
Nữ sinh trường chuyên chọn học nghề
Học trường chuyên nhưng trượt đại học, Kim Phụng bị người thân chỉ trích trong thời gian dài cho đến khi đạt thành tích xuất sắc tại trường nghề.

Gần một tuần sau lễ tuyên dương học sinh, sinh viên các trường nghề ở Hà Nội, Võ Thị Kim Phụng, 21 tuổi, quê Long An, đã trở lại nhịp học tập, sinh hoạt tại Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, TP HCM.

Hai năm trước, Phụng không bao giờ mình sẽ yêu thích trường nghề chứ không dám nghĩ sẽ được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tuyên dương và là sinh viên duy nhất ở Đông Nam Bộ trong đoàn 130 học sinh, sinh viên tiêu biểu nhận quà từ Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

"Đôi khi một con tàu sai hướng sẽ đưa chúng ta tới đúng đích. Em nghĩ hành trình của mình cũng giống như vậy", Phụng bộc bạch.

Võ Thị Kim Phụng. Ảnh: Thanh Hằng

Võ Thị Kim Phụng. Ảnh: Thanh Hằng

Khi học trường THCS Long Hòa, huyện Cần Đước, Phụng nằm trong top đầu của khối và trường. Được chọn vào đội thi học sinh giỏi Vật lý cấp trường cuối năm lớp 9, Phụng thấy mình có căn bản tại môn này nên quyết định tự ôn luyện để thi chuyên. Do trường và giáo viên không tổ chức lớp ôn thi vào trường chuyên, nữ sinh tự mày mò, học qua các bài giảng trực tuyến.

Kết quả Phụng trúng tuyển vào lớp chuyên Vật lý trường THPT chuyên Long An. Dù không phải thủ khoa hay á khoa, cũng không nằm trong top đầu điểm cao nhất, Phụng và cả gia đình mừng rỡ, hồ hởi giúp em "khăn gói" lên trường nằm ở trung tâm thành phố, cách nhà 25 km để nhập học. Phụng ở nhà ông bà ngoại, khoảng 5 tuần sẽ đạp xe về thăm nhà một lần.

Thế nhưng niềm vui của Phụng không kéo dài lâu. Em nhanh chóng bị đuối hơn các bạn cùng lớp, đặc biệt là trong môn Vật lý. Vốn quen với việc thường xuyên đứng đầu những năm THCS, nữ sinh mặc cảm và chán nản. "Điểm 4-5 bắt đầu xuất hiện và ngày càng nhiều hơn. Em trở nên lầm lì, khác hẳn với sự tự tin và hoạt ngôn trước đây, rồi tự cô lập mình", Phụng kể.

Những khó khăn gặp ở trường Phụng không chia sẻ với bố mẹ. Em giải thích bố làm nông, thu nhập chỉ tính theo mùa vụ không đáng là bao; mẹ là công nhân, lương tháng hơn 4 triệu đồng nuôi cả gia đình. "Bố mẹ lo cơm áo gạo tiền đã đủ mệt mỏi, em không muốn hai người phải phiền lòng thêm nữa", Phụng nói.

Vì không thể học được Vật lý, đến đầu năm lớp 12, nữ sinh âm thầm chuyển sang học khối C00 (Văn, Sử, Địa), đặt mục tiêu vào ngành Luật thương mại quốc tế, Đại học Luật TP HCM. Điểm thi THPT quốc gia không thấp (24,75), nhưng năm 2017 Phụng trượt ngành yêu thích do không vượt qua kỳ thi riêng của trường.

"Nhận tin trượt đại học, mọi thứ sụp đổ với em", Phụng chia sẻ. Em về nhà, đối diện với sự chỉ trích của người thân và hàng xóm vì "học trường chuyên mà trượt đại học". Mỗi lần đi qua ngõ nhỏ dẫn vào nhà, Phụng hay bị cười chê, bố mẹ cũng bị bóng gió "không dạy được con". "Mọi người nói em sao cũng được, điều em đau lòng nhất là bố mẹ bị chỉ trích", Phụng nói.

Nữ sinh tự nhốt mình trong phòng, dày vò bản thân trong những câu "giá như". Sau hai tháng, trong một lần vô tình xem được video truyền cảm hứng, động viên trượt đại học không phải mất tất cả, em dần lấy lại tinh thần, dành thời gian phụ giúp bố mẹ và nói chuyện với mọi người nhiều hơn. Em quyết tâm thi lại.

Kim Phụng (thứ hai từ trái sang) cùng các học sinh, sinh viên tiêu biểu nhận quà từ Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, tháng 10/2020. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Kim Phụng (thứ hai từ trái sang) cùng các học sinh, sinh viên tiêu biểu nhận quà từ Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, tháng 10/2020. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Để có tiền trang trải, Phụng xin làm công nhân ở một doanh nghiệp sản xuất dép, thời gian làm việc 12 tiếng một ngày, một tuần làm sáng, tuần sau lại làm ca đêm. Những lúc không phải đi làm, Phụng ôn thi đại học. Lần này, em ôn thi khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) vì muốn hướng đến các đại học có ngành kinh tế. Thời gian cao điểm, em chỉ ngủ 3-4 tiếng một ngày.

Năm đó, vì em gái cũng ôn thi và lựa chọn Đại học Y Dược TP HCM, Phụng một lần nữa đắn đo trước ước mơ vào đại học. Nhẩm tính nếu em gái học trường y, gia đình sẽ rất vất vả chuyện học phí cho hai con gái, Phụng quyết định học cao đẳng để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, đồng thời rút ngắn thời gian học.

Nữ sinh lựa chọn Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, đạt 19,75 điểm và trúng tuyển vào trường. Thời gian đầu, mặc cảm "học trường chuyên mà vào cao đẳng", em không dám cập nhật trường học lên Facebook, giấu cả năm sinh vì không muốn mọi người biết mình thi trượt một năm. Đến khi được bạn khuyên "không dám đối mặt với sai lầm trong quá khứ thì sẽ sai thêm một lần nữa", Phụng mới bừng tỉnh.

Nữ sinh vẫn nhớ môn đầu tiên được học là Quản trị học, giảng viên dạy rất hay và em bị cuốn theo bài giảng. "Hóa ra cao đẳng cũng không tệ như mình nghĩ", Phụng tự nhủ. Nữ sinh thường ngồi bàn đầu hoặc thứ hai để tiếp thu tốt hơn, ghi lại từ khóa cần nhớ sau mỗi bài học và hỏi ngay giảng viên nếu có gì chưa hiểu.

Thời gian đầu Phụng nhận được tin nhắn của bạn cùng lớp "Sao bạn thích thể hiện quá vậy?". "Lúc đó em buồn lắm, chỉ biết giải thích rằng cách học của mình khác, tư duy mình cũng khác. Việc này cũng khiến thời gian đầu em không có bạn", Phụng kể. Đến khi hết năm nhất, điểm của em là 3.78/4, bạn bè cùng lớp dần thừa nhận khả năng và yêu quý Phụng hơn.

Khi trường phát động cuộc thi tài năng kinh tế đối ngoại, cô gái sinh năm 1999 nhớ lại trải nghiệm bị lừa khi tìm nhà trọ, lên ý tưởng khởi nghiệp với ứng dụng hỗ trợ sinh viên tìm nơi ở. Tại cuộc thi quy mô cấp trường, Phụng đạt giải nhì. Khoảng một năm tiếp theo, nữ sinh rủ thêm bạn bè, tiếp tục hoàn thiện dự án để tham dự thêm 4-5 cuộc thi khởi nghiệp khác, giành giải dự án được yêu thích nhất Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019.

Kim Phụng (thứ hai từ trái sang) lần đầu đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kim Phụng (thứ hai từ trái sang) lần đầu đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Phạm Xuân Thu, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, ấn tượng với nghị lực và tinh thần ham học của Phụng. "Tôi hay gọi Phụng là sinh viên săn học bổng. Em thường tìm đến các nguồn tài trợ trong và ngoài trường để giảm bớt gánh nặng học phí cho bản thân và gia đình nhiều nhất có thể", thầy nói.

Cơ hội đến với Phụng vào cuối năm 2019, khi gặp người sáng lập công ty bất động sản. Nhờ sự ham học, năng lực ấn tượng, Phụng được mời về làm makerting. Vì chưa tốt nghiệp, công ty đồng ý cho em làm việc bán thời gian. Thu nhập hiện tại giúp Phụng đủ trả học phí, sinh hoạt phí một mình tại TP HCM.

Đầu tháng 10, Phụng cùng 129 học sinh, sinh viên tiêu biểu tại các trường nghề trên cả nước được Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội trao bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Thời gian tới, nữ sinh sẽ bắt đầu bước vào kỳ thực tập dành cho sinh viên năm cuối. Hiện điểm của Phụng là 3.59/4, em đặt mục tiêu đạt tối thiểu đạt 3.6 để trở thành sinh viên đầu tiên của Cao đẳng Kinh tế đối ngoại tốt nghiệp xuất sắc.

Cô gái quê Long An chia sẻ, thời gian đầu khi chọn học cao đẳng cũng bâng khuâng và trăn trở rất nhiều. Nhưng đến giờ, Phụng học cho mình và hài lòng với con đường đang đi. "Đây không phải lựa chọn ưu tiên ban đầu của em, nhưng đến giờ lại giúp em đi đúng hướng mình thích. Nếu được hỏi có muốn thay đổi điểm gì trong quá khứ, em sẽ trả lời không, vì điều gì xảy ra cũng có lý do của nó. Có những khó khăn đó mới có em của hôm nay", Phụng nói.

Thanh Hằng (vnexpress.net)

Lên d?u trang