Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 1185
  • Trong tuần: 9527
  • Tất cả: 1879383
Hai nữ sinh vẽ truyện tranh Gạc Ma thắp lên tình yêu biển đảo
Viết những câu chuyện lịch sử thành truyện tranh, Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như đã chọn trận chiến Gạc Ma làm đề tài đầu tiên của mình. Đây cũng là món quà tri ân nhân đến thế hệ cha ông đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo dịp kỷ niệm 30 trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2018).

Hai em Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như giới thiệu truyện tranh Gạc MaHai em Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như giới thiệu truyện tranh Gạc Ma

Viết những câu chuyện lịch sử thành truyện tranh, Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như đã chọn trận chiến Gạc Ma làm đề tài đầu tiên của mình. Đây cũng là món quà tri ân nhân đến thế hệ cha ông đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo dịp kỷ niệm 30 trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2018).

Dự án mang tên “Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh Gạc Ma và những người anh hùng” của 2 bạn học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, TP Đông Hà, Quảng Trị cũng đã giành giải Nhì cuộc thi KHKT học sinh trung học quốc gia 2018, khu vực phía bắc.

Viết truyện lịch sử để các bạn yêu lịch sử, yêu biển đảo

“Nhiều bạn bè của em tỏ ra không hứng thú, thậm chí sợ môn học Lịch sử vì các số liệu, sự kiện phải ghi nhớ chính xác. Nhưng các bạn lại thích những trang sách có hình ảnh minh họa. Vì thế, em và bạn đã cùng lên ý tưởng về việc viết lịch sử bằng hình thức truyện tranh. Với mong muốn giúp các bạn học và hiểu biết lịch sử, quá khứ của dân tộc”, Nguyễn Diệu Huyền chia sẻ về dự án của mình.

Quảng Trị - quê hương của 2 em cũng là mảnh đất anh hùng, là khúc ruột nối 2 đầu đất nước, nơi đạn bom ác liệt, nơi chứng kiến sự chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17… Và cả hi sinh, đổ máu của biết bao thế hệ cha ông ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Đề tài được em lựa chọn để ra truyện tranh là câu chuyện lịch sử về đảo chìm Gạc Ma. Bởi nơi đây xảy ra nhiều sự kiện hào hùng, bi tráng nhưng ít người biết đến do chưa có nhiều sách, tài liệu nói về chủ đề này. Trong khi đó, ngay tại Đông Hà, Quảng Trị có nhiều nhân chứng sống của Gạc Ma, lưu giữ rất nhiều ký ức, kỷ niệm đau đáu…

Có một điều thú vị nữa là giáo viên hướng dẫn Diệu Huyền và Ngọc Như không phải là cô giáo dạy Lịch sử, hay Ngữ văn mà cô giáo bộ môn Sinh học. “Dù không thuộc lĩnh vực mà tôi giảng dạy, nhưng bản thân tôi cũng là người yêu thích, đam mê Lịch sử. Ý tưởng của 2 em khiến tôi rất hứng thú nên tôi nhận nhiệm vụ hỗ trợ 2 em thực hiện dự án này”, cô giáo Trần Thị Thanh Ước nói.

Cô và trò đã tìm đến nhà bác Trần Thiên Phụng - một nhân chứng sống từng chiến đấu ở đảo Gạc Ma, để nghe cụ kể lại những trận chiến, những năm tháng trên đảo cùng đồng đội. “Thấy chúng em đến, bác mừng lắm, điện thoại cho tất cả các đồng đội Gạc Ma của mình ở TP Đông Hà, Quảng Trị khoe “Có học sinh đến tìm hiểu về Gạc Ma, muốn nghe miềng kể chuyện chiến đấu nè”. Rồi gọi các bác ấy đến nhà để cùng kể chuyện cho chúng em”, Diệu Huyền cho biết.

Từ những câu chuyện đó, Nguyễn Diệu Huyền phụ trách viết phần lời, còn Mai Ngọc Như phụ trách vẽ tranh. Với số liệu vừa phải, các sự kiện kể lại xúc động, và hình ảnh vẽ trong truyện mang phong cách truyện tranh hiện đại, thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên. Đó là những câu chuyện chiến đấu sinh tử, tình đồng đội, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo… mà trong các cuốn sách lịch sử khác không có.

Tất nhiên, lịch sử là những gì có thật, xảy ra trong quá khứ, nên yêu cầu tính chính xác, chân thực cao. Những ký ức về một thời chiến đấu của các cựu chiến binh là vô cùng quý giá. Nhưng cô trò vẫn cẩn thận, đối chiếu lại trong các tài liệu, báo chí, và để đảm bảo thông tin đưa ra trong truyện tranh là đúng, không sai lệch. Sau khi hoàn thành, cũng đã gửi lại cho các bác cựu chiến binh để các bác đọc trước khi công bố rộng rãi.

Lời cảm ơn của nhân chứng lịch sử

“Hôm nay, khi các cháu đến đây, mang cho bác xem tập truyện mà các cháu đã vẽ, bác rất bất ngờ và xúc động. Các cháu đã làm được những điều thật quý báu. Bấy lâu, chúng ta chỉ nghe kể hoặc đọc những thông tin trên báo đài, bác cũng lo không biết thế hệ trẻ sau này có biến về trận chiến Gạc Ma năm 1988 hay không Nhưng bác tin, với tập truyện rất sinh động này, nếu đến với các bạn nhỏ thì tuổi trẻ như các cháu sẽ biết nhiều hơn, rõ hơn về sự hi sinh, mất mát của cha ông trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung.Vậy là 30 năm đã qua, những người đồng chí, đồng đội của bác đã được các cháu xây một tượng đài rất đẹp, cảm ơn các cháu”!

Đó là những chia sẻ của bác Trần Thiên Phụng – nhân chứng lịch sử Gạc Ma sau khi đọc tập truyện của Diệu Huyền và Ngọc Như. Bác là thương binh, đã bị mất đi cánh tay phải trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo. Và bác đã nhờ người đánh máy những dòng cảm ơn này đến cô và trò – tác giả tập truyện.

Hiện tác phẩm của Diệu Huyền và Ngọc Như được phổ biến rộng rãi trong trường THCS Nguyễn Trãi, đến tay các bạn học sinh. Đồng thời, được các thầy cô giáo sử dụng như một tài liệu quý để dạy học tích hợp trong các môn Lịch sử, Ngữ văn, văn hóa địa phương… Giá bán của cuốn sách này là 20.000 đồng/cuốn đối với bản nhỏ, và 50.000 đồng/cuốn với bản to.

Những câu chuyện lịch sử được kể và vẽ lại với phong cách hiện đại, nhưng xúc động

Các bạn vẽ phác họa bằng bút chì trước

Sau đó tô màu sắc sinh động, phù hợp

Sách được in ra với 2 phiên bản nhỏ và lớn với giá bán tương ứng là 20 nghìn đồng và 50 nghìn đồng/cuốn

 Truyện tranh Gạc Ma được sử dụng trong dạy học ở trường THCS Nguyễn Trãi và được nhiều bạn học sinh đón nhận

Theo Hồ Lài
Báo Giáo dục & Thời đại